Điều kiện giành quyền nuôi con khi ly hôn và sau khi ly hôn
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng con chung theo quy định của pháp luật. Và hầu hết cả hai bên đều mong muốn giành quyền nuôi con về mình. Đặc biệt là người mẹ, họ luôn mong muốn được trực tiếp nuôi nấng và dạy dỗ con.
Theo quy định, cha mẹ có quyền thỏa thuận về việc nuôi con khi ly hôn và kể cả sau ly hôn đối với con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không đủ khả năng tự nuôi bản thân. Và Tòa án sẽ dựa trên sự thỏa thuận đó, căn cứ vào những điều kiện luật định để ra quyết định. Tuy nhiên, nếu vợ chồng không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết dựa trên những điều kiện đối với từng trường hợp.
1. Điều kiện giành quyền nuôi con khi ly hôn
Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định, Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Đối với con cái, quyền lợi được quan tâm nhất là về: điều kiện sống; môi trường sống; sự quan tâm của người nuôi dưỡng đối với con; môi trường giáo dục, phát triển… Tất cả những quyền lợi đó sẽ phụ thuộc vào khả năng tài chính, thu nhập, quỹ thời gian, nhân thân… của người nuôi dưỡng.
Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi, người mẹ sẽ được ưu tiên quyền nuôi con. Và nếu con từ đủ tuổi 7 trở lên thì Tòa án phải xem xét nguyện vọng của con. Cháu bé sẽ được hỏi ý kiến rằng mong muốn ở với ại. Tuy nhiên, Tòa án sẽ phải xét cùng với các điều kiện đã nêu trên của cả cha và mẹ để ra quyết định cụ thể cho từng vụ việc.
2. Điều kiện giành quyền nuôi con sau ly hôn
Giành quyền nuôi con sau ly hôn là trường hợp Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định ly hôn, nuôi con chung và tài sản chung của vợ chồng. Nhưng sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực thì người không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con có yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Theo quy định của pháp luật, bạn có quyền yêu cầu giành lại quyền nuôi con khi không trực tiếp nuôi dưỡng. Tòa án sẽ xem xét và đưa ra quyết định dựa vào một trong các căn cứ sau:
- Cha, mẹ có thoải thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng.
- Người đang trực tiếp nuôi không còn đủ điều kiện để chăm sóc, giáo dục con.
Trong quá trình giải quyết, Tòa án sẽ xem xét các yếu tố tương tự như khi đưa ra quyết định về quyền nuôi con khi ly hôn.
Lưu ý: Bên không trực tiếp nuôi dưỡng sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho đến kho con đủ 18 tuổi, trừ trường hợp cha mẹ có thỏa thuận khác. Bên trực tiếp nuôi dưỡng không được cản trở quyền và nghĩa vụ thăm nom con của bên còn lại (Theo Điều 82 và 83 Luật Hôn nhân gia đình 2014).
Như vậy, dù quan hệ hôn nhân giữa cha mẹ đã chấm dứt, nhưng cả hai bên đều có quyền và nghĩa vụ chăm sóc con chung. Trên đây là toàn bộ những yếu tố và điều kiện mà Tòa án sẽ căn cứ để giải quyết về việc giành quyền nuôi con khi ly hôn và sau ly hôn theo quy định của pháp luật.
Xem thêm bài viết: