Việc phân biệt tội “giết người” với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” trong nhiều trường hợp rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi người tiến hành tố tụng không những nắm vững cấu thành tội phạm cơ bản mà cần phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp và kinh nghiệm thực tiễn giải quyết vụ án.
Tội Giết người theo điều 123 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (sau đây gọi gọn là tội Cố ý gây thương tích) dẫn đến hậu quả chết người theo điểm a khoản 4 điều 134 Bộ luật Hình sự thì khung hình phạt từ 7 năm đến 14 năm tù. Nếu làm chết từ hai người trở, khung hình phạt là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Trong thực tế giải quyết vụ án hình sự liên quan đến hai tội danh này, chúng ta sẽ phải căn cứ rất nhiều vào tài liệu, chứng cứ chứng minh để định tội. Tuy nhiên, cơ bản về lý luận, chúng ta sẽ phân biệt dựa vào những yếu tố sau:
1- Mục đích phạm tội
- Tội Giết người: người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm trong mong muốn chủ quan của người phạm tội.
- Tội Cố gây thương tích dẫn đến chết người: Người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể của nạn nhân, không mong muốn nạn nhân chết. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý chí chủ quan của người phạm tội.
2- Mức độ và cường độ tấn công
Người phạm tôi đều cố ý có những hành vi tấn công, tác động vật lý lên nạn nhân. Tuy nhiên, về mức độ và cường độ tấn công có sự khác biệt rõ rệt.
- Đối với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác”, người phạm tội chỉ cố ý làm cho nạn nhân bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, không mong muốn cho nạn nhân bị chết, cũng không bỏ mặc cho nạn nhân chết; nạn nhân bị chết là ngoài ý muốn của người phạm tội.
- Đối với tội “giết người”, người phạm tội cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Nếu không phải là do cố ý trực tiếp (cố ý có dự mưu, cố ý xác định) thì cũng là cố ý gián tiếp (cố ý đột xuất, hoặc cố ý không xác định), tức là không cần quan tâm đến hậu quả.
Ở tội Giết người, hành vi tấn công của người phạm tội bao giờ cũng quyết liệt hơn, cường độ tấn công mạnh hơn, nhằm vào những nơi xung yếu của cơ thể như: vùng đầu (sọ, não, gáy), ngực, ổ bụng… Còn đối với tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, người phạm tội tấn công nạn nhân không quyết định, và không cố ý gây ra cái chết cho nạn nhân, một số vị trí tấn công thường là những vị trí đã định như: chân, tay, mông, chân, tai, mũi, miệng.
3- Yếu tố lỗi
- Đối với tội Giết người, người phạm tội cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Nếu không phải là do cố ý trực tiếp (có sự tính toán, âm mưu xác định từ trước) thì cũng là cố ý gián tiếp (cố ý đột xuất, cố ý không xác định). Người phạm tội có xu hướng tấn công nạn nhân không quan tâm đến hậu quả.
- Người phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người không có ý chí mong muốn gây ra cái chết cho nạn nhân. Xuất phát từ mục đích hành vi tấn công chỉ là gây thương tích , đối với sự thiệt mạng của nạn nhân hoàn toàn là lỗi vô ý.
Thực tế, để xác định yếu tố lỗi là cố ý hay vô ý rất phức tạp, cần căn cứ vào tình tiết vụ việc, hồ sơ chứng cứ chứng minh.
Trên đây là những tiêu chí cơ bản để phân biệt tội Giết người và tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.