“GIÀNH” QUYỀN NUÔI CON VÀ “AI ĐƯỢC CHIA NHIỀU TÀI SẢN” KHI LY HÔN
Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án sẽ giải quyết cho một bên được ly hôn mà không cần phải được sự đồng ý ly hôn của bên còn lại. Lúc đó nguyên tắc nào sẽ được áp dụng để chia tài sản giành quyền nuôi con?
“Thỏa thuận-Chứng minh”
1. Ai sẽ được nuôi con?
Tại Khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, việc này phải chứng minh.
Quy định cứng:
+ Con dưới 36 tháng tuổi thì người vợ sẽ được quyền nuôi con nếu đủ đầy đủ năng lực hành vi;
+ Con trên 36 tháng: bên nào chứng minh có điều kiện về vật chất, tinh thần tốt hơn, tạo điều kiện cho con phát triển tốt hơn thì được quyền ưu tiên nuôi con. Nếu con đủ 7 tuổi trở lên thì phải hỏi ý kiến của con xem muốn ở với ai, tuy nhiên đây chỉ là 1 trong những yếu tố để Tòa xem xét trước khi tuyên án.
Những kinh nghiệm khi “giành” quyền nuôi con:
+ Chứng minh lỗi của bên còn lại: bạo hành, ngoại tình…
+ Chứng minh trong thời gian chung sống ít quan tâm đến con cái, không biết những hành vi cá nhân của con: học ở đâu, chơi với ai, thích màu gì, ăn món gì…
+ Hãy để con cảm nhận được tình cảm mình giành cho con ( nhất là khi con >=7 tuổi);
2. Ai được chia nhiều tài sản?
Về việc phân chia tài sản, trước tiên Tòa án tôn trọng và công nhận sự thỏa thuận của hai bên. Trường hợp không tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia theo quy định của pháp luật.
Tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 6/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình đã hướng dẫn, khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:
+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung;
+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn ( VD: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy thì sẽ xem xét đến yếu tố lỗi để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên).
Như vậy nguyên tắc xuyên suốt được áp dụng:
Đầu tiên là công nhận-sau đó là chứng minh!