Pháp luật Việt Nam có cho phép khai sinh con mang họ của mẹ không?
Con khi sinh ra sẽ mang họ của bố có thể được coi là một tập quán của người Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình chung sống, vợ chồng xảy ra bất đồng khiến cho người vợ không muốn con theo họ cha. Hay chỉ đơn thuần là theo mong muốn của cả hai vợ chồng muốn con sinh ra được mang họ của mẹ hoặc không xác định được bố của đứa bé là ai. Vậy, pháp luật Việt Nam cho phép con sinh ra được mang họ mẹ trong những trường hợp trên hay không? Thủ tục như thế nào?
1. Các trường hợp được khai sinh cho con mang họ của mẹ
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có hai trường hợp con sinh ra được mang họ của mẹ (con theo họ mẹ).
Trường hợp 1: Theo thỏa thuận của bố và mẹ
Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về họ, chữ đệm và tên của trẻ em khi khai sinh như sau:
“ Điều 4. Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử
- Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy đinh sau đây:
- a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh…”
Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền có họ, tên như sau: “2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ;…”
Như vậy, khi cha mẹ có thỏa thuận người con mang họ của mẹ sẽ được pháp luật cho phép và công nhận, tuy nhiên, sự thỏa thuận đó phải được thể hiện trong tờ khai giấy khai sinh khi đi làm thủ tục khai sinh cho con tại UBND xã.
Trường hợp 2: Không xác định được cha của con
Khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:
“2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.”
Theo quy định này, đứa bé sinh ra khi chưa xác định được cha đẻ là ai thì họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch sẽ được xác định theo mẹ; và trong giấy khai sinh phần ghi về cha sẽ để trống. Do vậy, khi sinh ra, mặc nhiên con mang họ của mẹ.
2. Thủ tục khai sinh cho con mang họ của mẹ
Thẩm quyền thực hiện thủ tục khai sinh là UBND xã nơi người cha hoặc người mẹ cư trú. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày người con sinh ra, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc ông bà, người thân thích khác có quyền và trách nhiệm đi khai sinh cho bé.
Khi đi làm thủ tục khai sinh, người đi thực hiện phải chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký khai sinh;
- Giấy chứng sinh. Nếu không có giấy chứng sinh thì thay thế bằng văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh.
Lưu ý: người đi làm thủ tục khai sinh cho con phải xuất trình CMND hoặc các giấy tờ tùy thân khác cùng với các loại giấy tờ trên.
Sau khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, UBND xã tiến hành cấp Giấy khai sinh cho đứa trẻ. Và hiện nay, thủ tục đăng ký khai sinh hiện nay còn được liên thông với đăng ký thường trú/tạm trú và làm bảo hiểm y tế cho trẻ.
Như vậy, trẻ em sinh ra hoàn toàn có quyền mang họ của mẹ nếu cha mẹ có thỏa thuận hoặc khi chưa xác định được cha đẻ.
Xem thêm bài viết: