NHỮNG VIỆC ĐƯƠNG SỰ CẦN LÀM TRONG PHIÊN HỌP KIỂM TRA VIỆC GIAO NỘP, TIẾP CẬN, CÔNG KHAI CHỨNG CỨ VÀ HÒA GIẢI

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa; Nguồn: Internet

Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ (phiên kiểm tra) và hòa giải (phiên hòa giải) là một thủ tục trong tố tụng dân sự, được tổ chức trong thời gian chuẩn bị xét xử vụ án. Phiên kiểm tra chính là quy định cụ thể hóa đảm bảo tranh tụng trong xét xử (Điều 24 BLTTDS 2015) và phiên hòa giải thể hiện nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự (Điều 10 BLTTDS 2015). Bản chất hai thủ tục xuất phát từ nguyên tắc tố tụng khác nhau. Do đó, trình tự thủ tục tiến hành và những việc các đương sự cần làm trong hai phiên họp này cũng hoàn toàn khác nhau. Cụ thể như sau:

Khi tham gia phiên kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, đương sự phải trả lời các câu hỏi do Thẩm phán đưa ra về việc:

  • Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;
  • Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;
  • Bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;
  • Những vấn đề khác phụ thuộc vào từng vụ việc.

Sau đó, Thẩm phán sẽ xem xét và giải quyết các yêu cầu cầu của đương sự đưa ra theo quy định của pháp luật.

Còn đối với phiên hòa giải, trước hết, thẩm phán phổ biến quy định pháp luật, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành nhằm khuyến khích các bên đương sự tự thỏa thuận và giải quyết vụ án. Sau đó, các bên đương sự cần phải làm những việc sau:

  • Bên nguyên đơn: trình bày nội dung tranh chấp, bổ sung yêu cầu khởi kiện; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện và đề xuất quan điểm hòa giải và giải quyết tranh chấp;
  • Bên bị đơn: trình bày ý kiến đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố (nếu có); và đưa ra các căn cứ, lập luận để phản bác yêu cầu của bên nguyên đơn; đồng thời sẽ đề xuất quan điểm hòa giải và hướng giải quyết.

Sau khi các bên đã trình bày xong, thẩm phán sẽ xem xét và xác định những vấn đề đã được thống nhất và những vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Nếu đương sự thỏa thuận được hướng giải quyết toàn bộ tranh chấp thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thỏa thuận theo quy định pháp luật. Ngược lại, Tòa án sẽ ra quyết định xét xử đối với vụ án đó.

Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là một thủ tục diễn ra trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Những việc làm nêu trên được quy định trong BLTTDS 2015 và được coi là quyền và nghĩa vụ của đương sự khi đến tham gia phiên kiểm tra và phiên hòa giải.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Facebook messenger
Call Now Button