QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa; Nguồn: Internet

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai (theo Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013). Căn cứ vào định nghĩa này, ta khẳng định rằng tranh chấp đất đai hoàn toàn khác biệt so với tranh chấp dân sự có liên quan đến đất đai (ví dụ như: tranh chấp di sản thừa kế liên quan đến đất đai, chia tài sản sau ly hôn liên quan đến đất đai…). Đặc biệt, tranh chấp đất đai sẽ tuân theo thủ tục giải quyết được quy định tại Luật Đất đai 2013, còn tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai sẽ tuân theo quy trình tố tụng tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như sau:

Khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013 nêu rõ, Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc hòa giải tại cơ sở khi có tranh chấp. Theo đó, các bên có tranh chấp có thể có hoặc không thực hiện việc này.

Khi các bên không hòa giải được thì sẽ gửi đơn đến UBND xã để hòa giải. Sau khi nhận đơn, Chủ tịch UBND xã phải tổ chức hòa giải trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn. Trường hợp hòa giải thành thì UBND phải gửi biên bản hòa giải đó đến Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường để UBND tiến hành thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới phù hợp với sự thay đổi.

Nếu hòa giải tại UBND xã không thành thì các bên có thể lựa chọn gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân hoặc UBND có thẩm quyền giải quyết.

Về thẩm quyền của UBND giải quyết khi hòa giải không thành tại cấp xã được quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013 như sau:

  • Tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết; nếu không đồng tình với quyết định thì có quyền khiếu nại lên Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc gửi đơn khởi kiện đến Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính.
  • Tranh chấp mà có 1 bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo hoặc người Việt Nam định cư nước ngoài thì Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền giải quyết; nếu không đồng tình với quyết định được đưa ra thì có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc gửi đơn khởi kiện đến Tòa án theo pháp luật tố tụng hành chính.

Như vậy, tranh chấp đất đai có quy trình giải quyết riêng biệt, đặc thù, hoàn toàn khác so với thủ tục giải quyết vụ án dân sự thông thường. Các bên khi có tranh chấp cần lưu ý để quá trình giải quyết được thực hiện đúng thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Facebook messenger
Call Now Button