Chia di sản khi người thừa kế chết trước người viết di chúc

Thừa kế theo di chúc là một dạng thừa kế được quy định trong Bộ luật dân sự 2015, được định nghĩa là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống theo quyết định của người để lại di sản trước khi chết thể hiện qua di chúc. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều trường hợp người thừa kế chết trước người viết di chúc. Vậy, trong trường hợp này di chúc đã viết còn hiệu lực không? Và di sản của người viết di chúc được chia như thế nào?

1- Hiệu lực của di chúc có ảnh hưởng không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Như vậy, giả sử ông A viết di chúc thì di chúc chỉ có hiệu lực vào ngày ông A chết hoặc ngày mà ông A bị Tòa tuyên bố chết.

Về hiệu lực của di chúc khi người hưởng di sản chết trước người lập di chúc, điều này được quy định cụ thể tại Điểm a Khoản 2 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015:

” Điều 643. Hiệu lực của di chúc

2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.”

Như vậy, khi người hưởng di sản chết trước người viết di chúc sẽ khiến cho di chúc bị vô hiệu một phần hoặc toàn bộ.

2- Di sản của người để lại di chúc được chia như thế nào?

Theo quy định của pháp luật, Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Và theo như lời giải thích ở phần 1, phần di chúc liên quan đến người hưởng thừa kế đã chết sẽ bị vô hiệu. Do đó, phần di sản ấy sẽ được chia theo pháp luật.

Đây là trường hợp được quy định rõ ràng tại Điểm c Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự.

“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;”

Như vậy, khi người thừa kế chết trước người viết di chúc, phần di sản đáng lẽ người thừa kế ấy được hưởng sẽ được chia theo pháp luật.

Xem thêm bài viết:

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Facebook messenger
Call Now Button